Giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu | Nông nghiệp
Những năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được triển khai mạnh mẽ trên khắp cả nước. Tại các tỉnh vùng Đông Nam bộ, chương trình này cũng đã thực hiện rộng khắp các địa bàn; bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương làm còn hình thức, thiếu tính bền vững và chưa quan tâm đến đối tượng thụ hưởng chính là người nông dân.
Nhóm phóng viên VOV có loạt bài viết “Nông thôn mới không phải là cuộc chạy đua hình thức” làm rõ về vấn đề này.
Bộ mặt nông thôn ở Đồng Nai thay đổi rõ rệt khi xây dựng nông thôn mới |
Xã Thiện nghiệp, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận về đích nông thôn mới từ năm 2014. Bộ mặt nông thôn ở đây đã đổi thay hoàn toàn, thay cho những con đường đất bụi bặm mùa nắng, lầy lội mùa mưa là những con đường bê tông kiên cố, trải dài khắp thôn làng, ngõ xóm.
Để có được kết quả này, xã Thiện Nghiệp đã huy động mọi nguồn lực để làm 11 tuyến đường bê tông dài 3.590m và 5 tuyến đường đá cấp phối dài hơn 5.000 mét. Trong đó, người dân đóng góp hơn 1,6 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu.
Ông Bùi Minh Hạnh, sống ở đây cho biết, mấy năm nay, ai đến xã Thiện Nghiệp cũng dễ dàng bắt gặp sự hồ hởi của người dân nơi đây khi nói về sự nhiệt thành, đồng thuận của bà con cùng chung tay xây dựng quê hương mới: “Từ xưa đường mòn đầy cây gai lưỡi long. Từ khi có đường mới tôi rất mừng, phấn khởi. Dù có đóng 10 triệu hay 20 triệu tôi cũng sẵn sàng đóng. Tiền không quan trọng bằng con đường. Làm đường đi xe thoải mái là mừng. Nếu không có chương trình nông thôn mới, ở đây không biết bao giờ mới thay đổi”.
Tại xã Phú Túc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, mấy năm rồi vườn quýt của gia đình ông Nguyễn Đình Nhâm, ở ấp Tam Bung được coi là mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mảnh đất trũng của ông quanh năm ngập nước, chủ yếu chỉ trồng được những loại cây rau củ ngắn ngày. Vậy mà, khi được chính quyền địa phương khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, ông Nhâm đã mạnh dạn dầu tư cải tạo đất để chuyên canh những loại cây ăn trái. Trong đó, mô hình trồng quýt của ông trở thành nơi thu bạc tỷ.
“Chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả lắm. Chỉ có 540 cây, đến năm nay là 3 năm rưỡi, như năm vừa rồi đã thu được 1,3 tỷ rồi”, ông Nhâm cho hay.
Không chỉ ở Đồng Nai, Bình Thuận mà trải khắp các vùng quê khu vực Đông Nam bộ, bà con đều thấy rõ bộ mặt làng quê đang đổi thay mau chóng khi họ cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng quê hương. Mà điểm nổi rõ nhất là những tuyến đường bê tông kiên cố len lỏi từ khu dân cư ra tận ruộng vườn. Là hệ thống đèn đường soi sáng cả vùng quê mỗi khi đêm xuống. Và đó là những ngôi trường làng, nhà văn hóa, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn xóm khang trang…
Đường giao thông nông thôn nối xã Hàm Trí với xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận do nhà nước và nhân dân cùng góp vốn xây dựng |
Với vùng Đông Nam bộ, nhiều năm gần đây không khó để bắt gặp những nông dân sẵn lòng hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường sá. Nhiều gia đình chưa giàu có nhưng cũng chắt chiu đóng góp vài chục triệu đồng hay hàng trăm ngày công lao động… để xây dựng quê hương. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở đây thật sự đã và đang tạo sự đoàn kết thống nhất trong nhân dân, với mục tiêu xây dựng đời sống nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.
“Chúng ta tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân, hầu hết tất cả các huyện đều đạt tỷ lệ người dân hài lòng từ 95 – 97%, đa số là trên 97%. Vừa rồi Ban Dân vận Trung ương có tổ chức khảo sát lấy ý kiến người dân hiểu về các chương trình thì thấy rằng tỷ lệ người dân nông thôn nhận biết về nông thôn mới rất cao, 97,2%. Có thể nói đây là sự lan tỏa và sự ủng hộ hưởng ứng rất nhiệt tình của người dân”, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới Trung ương nhận xét.
Theo đánh giá của tỉnh Đồng Nai, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở đây đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong cuộc cách mạng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó, điểm nổi rõ nhất là bộ mặt các vùng quê có sự chuyển biến rõ nét, sản xuất phát triển ổn định, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển đồng bộ, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất tinh thần người dân nông thôn được nâng cao rõ rệt.
Đơn cử như ở Đồng Nai, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 ước khoảng 51 triệu đồng, cao hơn 3,5 lần so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới hiện chỉ còn khoảng 0,31% so với 6,22% 10 năm trước. Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 47,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chuẩn quốc gia ở các xã xây dựng nông thôn mới chỉ còn 0,72%./.
Theo VOV
Tham khảo cửa hàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét