Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019

Trái cây dần tiếp cận thị trường khó tính



Tham khảo thêm:

Sản xuất cây ăn trái ở ĐBSCL: Ðối mặt với nhiều thách thức

5 cách giảm mệt mỏi sau nghỉ lễ.

Năm qua, riêng mặt hàng rau quả tỉnh Tiền Giang đã xuất được trên 10.000 tấn, thu về nguồn ngoại tệ đạt trên 17 triệu USD, tăng cả về lượng và giá trị.




Nhiều loại trái cây đặc sản của địa phương như xoài cát Hòa Lộc, thanh long, chôm chôm, vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh... cũng từng bước xâm nhập sâu vào các thị trường khó tính.

Đặc biệt là thanh long với hơn 5.000ha, ngoài xuất sang thị trường Trung Quốc là chủ yếu thì thời gian qua sản phẩm thanh long GAP của HTX Thanh long Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cũng đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ với giá cao hơn tiêu thụ nội địa 10%.



Nông dân Cao Văn Hiền, xã viên của HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An (ấp Mỹ Khương, xã Mỹ Tịnh An), trồng hơn 1ha thanh long GlobalGAP tâm sự: “Để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhà vườn chúng tôi phải thực hiện tốt các tiến bộ kỹ thuật, áp dụng biện pháp canh tác an toàn sinh học, không có dư lượng chất hóa học trên trái thanh long”. Theo ông Hiền, quan trọng nhất là khâu chăm sóc phải tuân thủ theo đúng quy trình sản xuất sinh học. Khi thanh long cho trái đẹp, đúng kích cỡ thì đầu ra không phải lo.

Cùng với thanh long, 100ha vú sữa Lò Rèn của gần 300 hộ nông dân ở các huyện Châu Thành, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy đã được cấp mã code để xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy - Trần Văn Trung hào hứng chia sẻ: “Xuất khẩu trái cây sang nước ngoài đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao nên so với trước, ý thức người dân hiện đã được nâng lên rất nhiều”.

Tỉnh Bến Tre hiện có gần 40.000 vườn cây ăn trái chuyên canh với 5 chủng loại trái cây chủ lực như nhãn, bưởi da xanh, măng cụt, chôm chôm, cho sản lượng gần 400.000 tấn/năm. Thời gian qua chính quyền và nông dân địa phương quyết tâm nhân rộng các mô hình GAP, GlobalGAP. Gần đây các loại trái cây đạt tiêu chuẩn đã “cất cánh” sang thị trường khó tính.Diện tích cây ăn trái ở các tỉnh phía Nam liên tục tăng trong những năm gần đây, nhất là từ năm 2013 đến nay diện tích tăng mạnh, bình quân khoảng 4,2%/năm. Năm 2018, diện tích cây ăn trái ở khu vực phía Nam ước đạt 596.331ha (chiếm 60% diện tích của cả nước); tổng sản lượng quả đạt hơn 6,6 triệu tấn (chiếm khoảng 67% sản lượng quả cả nước).



ĐBSCL cũng là vùng trọng điểm trồng cây ăn trái chủ lực chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả toàn miền Nam. Bên cạnh những mặt đạt được thì vấn đề xuất khẩu trái cây, nhất là sang thị trường khó tính ở hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre cũng như các địa phương vùng ĐBSCL đang gặp một số hạn chế nhất định. Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các HTX Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, tiềm năng xuất khẩu trái cây sang các thị trường lớn và khó tính đang rộng mở, nhưng chất lượng trái cây của ta chưa đạt. Bà con sản xuất trái cây phải theo chuẩn GAP, bao trái, quản lý sâu bệnh chặt chẽ mới hy vọng xuất khẩu được sang thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu…

MINH SÁNG - NGUYỄN THỦY - Nông nghiệp

Gian hàng trái cây xuất khẩu


 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét