Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

Xoài cát chu vàng Cao Lãnh

 Xoài cát chu vàng hay còn gọi là xoài cát chu da vàng là một loại trái cây đặc sản được trồng nhiều tại huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. Tên gọi Xoài cát vàng để phân biệt với giống xoài cát chu xanh, đây đều là 2 giống xoài cát chu đã có lịch sử trồng và phát triển từ cách đây hàng trăm năm và được truyền lại qua bao nhiêu thế hệ người nông dân nơi đây.


Xem thêm:

Xoài cát chu xanh Cao Lãnh

Cam xoàn Lai vung Đồng tháp

Từ xa xưa, xoài cát chu Cao Lãnh đã nổi tiếng xa gần, đặc biệt trong khu vực Nam Bộ nhờ hương vị thơm ngon đặc trưng mà hiếm có loại trái cây nào sánh được. Vì thế từ lâu đây đã được coi là loại trái cây quý, thường được trưng bày trong các giỏ quà tặng, quà biếu trang trọng và ý nghĩa. Ngày nay, với xu hướng sản xuất nông sản sạch, theo hướng hữu cơ, xoài cát chu Đồng Tháp cũng ngày càng nâng cao chất lượng và sản lượng phục vụ xuất khẩu đi nhiều nước phát triển trên thế giới.

Xoài cát chu Cao Lãnh Đồng Tháp

Huyện Cao Lãnh thuộc tỉnh Đồng Tháp nằm ở bên sông Tiền Giang, thuộc khu vực Đồng Tháp Mười với diện tích tự nhiên ~490km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp đã chiếm đến 84,2% diện tích đất tự nhiên ở đây. Do được phù sa bồi đắp hàng năm cùng các lớp trầm tích tích tụ từ hàng triệu năm đã khiến cho đất đai ở khu vực này cực kì màu mỡ, rất phù hợp cho canh tác nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn trái. Trong đó loại trái cây nổi tiếng nhất ở đây là xoài cát chu (có tên khoa học là Mangifera indica) với đặc điểm nổi bật như: hạt nhỏ, cùi dày, ít xơ, vị ngọt đậm như mật ong, mùi hương lan tỏa quyến rũ... Hiện nay diện tích đất trồng xoài cát chu Cao Lãnh chiếm khoảng 40,2% diện tích trồng xoài của toàn tỉnh, trong đó có ~90ha xoài được trồng theo tiêu chuẩn Viet Gap và Global Gap, hàng năm cung cấp ra thị trường sản lượng trung bình lên đến 37.000 tấn xoài, chiếm đến 50% sản lượng xoài của toàn tỉnh Đồng Tháp.


Xoài cát chu có khả năng thích ứng cao với đất ở khu vực Cao Lãnh, cây rất dễ trồng và sinh trưởng nhanh, cho năng suất cao mà lại có hương vị đặc trưng hiếm có. Dù cùng giống xoài này nhưng nếu đem trồng ở địa phương khác thì vị ngon cũng không thể bằng xoài trồng ở Cao Lãnh. Một số địa phương trong khu vực miền Nam cũng canh tác xoài cát có thể kể đến như Hòa Lộc, Bến Tre...

Trung bình 1 trái xoài cát chu có trọng lượng khoảng 350-400gr, một kg cho khoảng 3 trái. Quả có hình thon dài, vỏ chín có màu vàng nhạt, thành phần chứa rất nhiều các loại vitamin và nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như vitamin A, C, E, B6, Fe, Mg, Na, K, vì vậy đây là một loại trái cây rất tốt cho cơ thể. Thời điểm kết trái của cây là khoảng tháng 12 dương lịch hàng năm, tuy nhiên hiện nay các nhà vườn thường chủ động cho cây ra hoa sớm để vừa đúng đến dịp Tết Âm Lịch có xoài chín bán phục vụ nhu cầu của người dân.




Xuất khẩu xoài cát chu cao lãnh.

Năm 2015, xoài cát chu Cao Lãnh ký hợp đồng tiêu thụ với nhiều doanh nghiệp phân phối nông sản cho thị trường TP. Hồ Chí Manh và Hà Nội. Đồng thời với việc áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn Global Gap, quả xoài đã đạt yêu cầu và 85 tấn xoài được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc vói giá trị cao. Việc quả xoài cát chu được xuất khẩu đi nước ngoài có ý nghĩa vô cùng to lớn, giá thu mua tại các thị trường này cũng cao hơn hẳn giá thương lái thu mua trong nước từ 3.000-5.000đ/kg. Đặc biệt thị trường Nhật Bản đã cấp hạn ngạch cho phép xoài cát chu Đồng Tháp có thể xuất khẩu quanh năm và hiện đang được bán tại hệ thống siêu thị lớn nhất của Nhật là Aeon Mall.

Hiện nay, ngành nông nghiệp của huyện Cao Lãnh đang có những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng quy trình nông nghiệp hữu cơ, tiến hành liên kết với các doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Một số dự án tiêu biểu có thể kể dến như Công ty TNHH Good Life, Công ty Thuận Phong đã ký hợp đồng hợp tác tiêu thụ xoài với hơn 220 hộ dân trong vùng với tổng diện tích khoảng 100 ha.

Ngoài ra để nâng cao giá trị quả xoài và tăng thu nhập cho người nông dân, Công ty In Jae (Hàn Quốc) đã đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái xoài như làm mứt, siro, nước ép, thạch... được người tiêu dùng đón nhận. Như thế, ngoài trái cây tươi thì các chế phẩm từ xoài cũng được xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn...


Trước những cơ hội và thách thức cho ngành sản xuất xoài của tỉnh, Đồng Tháp đã thành lập các tổ hợp tác xã, tập hợp nông dân cùng sản xuất theo đúng quy trình an toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Người trồng phải chấp hành nghiêm chỉnh các kĩ thuật, không sản xuất theo "kinh nghiệm", "mùa vụ" như trước, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, việc bón phân cũng phải tuân theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp để xoài cát chu vàng xuất khẩu đứng vững trên thị trường thế giới.

Có thể nói, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất là chìa khóa giúp giải bài toán được mùa mất giá vẫn thường xảy ra bao năm với người nông dân. Ngày nay, khi đến các vườn xoài cát chu vàng Cao Lãnh, chúng ta có thể thấy các vườn xoài ở đây được tổ chức thành lập các tổ dịch vụ có sự chuyên môn hóa quy trình sản xuất theo hướng chuyên nghiệp. Sản xuất ở ngoài được mở rộng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa lớn và nâng cao chất lượng của hàng hóa, thu hút các nhà đầu tư. Mặt khác người nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn và các yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo chất lượng xoài cát chu vàng xuất khẩu.


 

 

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét