Thứ Ba, 16 tháng 4, 2019

Khi doanh nghiệp liên kết nông dân | Nông nghiệp

Trái cây xuất Trung Quốc phải dùng bao bì theo quy định mới.
Cuộc sống vùng quê khi xây dựng nông thôn mới

Sản xuất sạch


Dạo quanh vườn bưởi da xanh, kiểm tra chất lượng từng trái, ông Đàm Văn Muôn (xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) phát hiện nhiều trái bưởi có vỏ bị nám, màu vàng sậm. Ông Muôn lập tức liên lạc với đội ngũ kỹ sư “3 cùng” (cùng ăn, cùng làm, cùng ở) của Tập đoàn Lộc Trời để hướng dẫn cách chăm sóc. Sau đó có 2 kỹ sư đã xuống tận vườn hướng dẫn nông dân cách xử lý, phun thuốc.


Ngoài ra, kỹ sư còn hướng dẫn cách nhận biết sâu bệnh, đo độ pH, độ mặn của nước… Theo ông Đàm Văn Muôn, nhờ có đội ngũ “3 cùng” nên vườn bưởi trước kia chỉ thu hoạch được 700kg/tháng thì sau khi được kỹ sư hướng dẫn đã tăng năng suất lên 1,2 tấn/tháng. Không những thế, trái cũng cho chất lượng tốt hơn, giúp nông dân xác nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP nên giá bán cao hơn 10%.


Sau khi có kết quả kiểm tra nhanh, nhận thấy độ mặn của nước sông cao, kỹ sư Nguyễn Tú Tài (chuyên viên kỹ thuật mảng cây trồng của Tập đoàn Lộc Trời) đã hướng dẫn nông dân xã Giao Long phải trữ nước ngọt để có nguồn nước tưới tiêu; lý giải thêm cho nông dân hiểu là thời tiết có gió chướng, khi nước sông cạn thì gió sẽ đẩy nước biển vào gây nhiễm mặn, nếu tưới sẽ khiến cây chết. Khâu trữ nước sông cần phải nuôi thêm lục bình, bèo để giảm độ nhiễm mặn.


Được sự phối hợp của Tập đoàn Lộc Trời, bà Cao Thị Triêm, Giám đốc HTX Bưởi da xanh VietGAP Giao Long, được kỹ sư hướng dẫn quy trình xây nhà kho, hố hủy trái hư, thu gom bao bì nhằm bảo vệ môi trường. Với hiệu quả mang lại, HTX thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia, hiện HTX có 55 hộ với 40ha, trong đó 35 hộ với 22ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.


Ở khu vực Tây Nguyên, nhờ canh tác bền vững nên rẫy cà phê xanh tươi hơn. Những vườn cà phê nằm trong chương trình “Tái canh cà phê bền vững” với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông địa phương phối hợp với Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền mang đến kiến thức khoa học nông nghiệp, kỹ thuật canh tác và đặc biệt có sự liên kết với Công ty Vinacafe Biên Hòa bao tiêu đầu ra.


Một trong những nông dân được lựa chọn tham gia chương trình là chị Hruih Eban (xã Eatu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) với 500 gốc cây cà phê trên diện tích 5ha. “Trước khi tham gia chương trình thì phải chờ 4 năm mới có thu hoạch, nhưng nay cây phát triển nhanh hơn, chỉ 3 năm là hái trái được rồi. Chương trình hỗ trợ hệ thống tưới nước, bón phân tự động; hỗ trợ 100% phân bón, cây giống. Nhờ vậy, giảm tiền thuê nhân công tưới nước và bón phân”, chị Hruih Eban cho biết.


Tương tự, vừa mới thu hoạch được 6 tấn cà phê hạt/1,2ha, ông Y Bang (huyện Đắk G’Long, Đắk Nông) tâm sự, nhờ tiếp cận phương pháp canh tác cây cà phê thông minh nên năng suất tăng gấp đôi, trước kia chỉ thu được 3 tấn. Nông dân cũng được mua phân bón trả chậm và có kỹ sư của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền hướng dẫn cách bón tiết kiệm, mang lại hiệu quả cao, như trước đây bón 4 lần/năm với 2,5 tấn phân, nay chỉ cần 1,5 tấn/năm.


Chính sách hỗ trợ


Không chỉ riêng cà phê, ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, cho hay, năm 2016, công ty cũng phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và trung tâm khuyến nông 13 tỉnh vùng ĐBSCL tham gia chương trình “Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu”.


Hàng năm, mỗi tỉnh có 5 nông dân tham gia vào chương trình. Công ty cử các kỹ sư xuống hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Chương trình không chỉ cung ứng phân bón mà còn cung cấp gói kỹ thuật từ cách cải tạo đất, tặng máy đo độ mặn để kiểm tra trước khi bơm nước vào ruộng. Bên cạnh đó còn đào tạo nông dân thành “chuyên gia” qua các chuyến học tập tại Thái Lan.


Theo ông Ngô Nhân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk, chương trình tái canh cà phê bền vững chủ yếu hỗ trợ vườn cây cà phê già cỗi. Ngoài vật tư nông nghiệp, còn hướng dẫn nông dân trồng xen sầu riêng, bơ để có thu nhập trong khi chờ cây cà phê trưởng thành. Sau vài năm triển khai, chương trình được đánh giá cao khi năng suất tăng, chi phí giảm.


Ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, nhận xét, nhờ doanh nghiệp liên kết với nông dân mà sản phẩm thu hoạch đạt tiêu chuẩn VietGAP tăng lên. Bên cạnh đó, tỉnh đã tuyên truyền nông dân góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao và đạt vệ sinh an toàn thực phẩm để hướng đến mở rộng thị trường.


Nhờ chủ trương của tỉnh hướng đến sản xuất an toàn qua việc tuyên truyền sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ nên kiến thức nông dân được nâng cao rất nhiều.










Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, đánh giá TPHCM cũng có nhiều doanh nghiệp triển khai mô hình liên kết với nông dân như Công ty Thiên Đức, Công ty CP Giống cây trồng miền Nam… cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, quy trình sản xuất; có kỹ sư kiểm tra chất lượng và mua lại sản phẩm. Với liên kết này, doanh nghiệp và nông dân đều được lợi. Nhờ vậy mà sản phẩm có chất lượng đồng bộ. Hiện nay, TPHCM có chính sách hỗ trợ lãi vay, thủ tục, tăng cường hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật.


THANH HẢI -SGGP




Trái cây miền tây xuất khẩu

 

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét